Nhà cầm quân Hàn Quốc chia sẻ nhiều bí mật dẫn đến chiến tích ở giải U23 châu Á và những kế hoạch với bóng đá Việt Nam trong tương lai cùng độc giả VnExpress.
– Xin chào ông Park, chúc mừng thầy trò ông vì vị trí á quân ở giải U23 châu Á vừa qua. Nhưng xin hãy thật lòng, trước khi đến với giải đấu tại Trung Quốc, ông đã kỳ vọng gì và đặt mục tiêu như thế nào? (Hoàng Long, 41 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội).
– Tôi nói thật, từ trước khi rời Hà Nội sang Trung Quốc, chúng tôi không đề ra mục tiêu cao như thế này. Các lãnh đạo trong Liên đoàn có nhắc đến mục tiêu ba điểm, nghĩa là giành ít nhất một trận thắng. Nhưng với cương vị HLV trưởng, tôi không thể nói như thế. Chúng tôi phải cố gắng từng trận. Ngay ở trận đầu tiên, chúng tôi gặp Hàn Quốc, một đội bóng mạnh và là quê hương của tôi. Đó là một trận đấu rất khó, nhưng phải nói thật là tôi muốn thắng trận đó. Tiếc là chúng tôi không làm được. Mọi chuyện dễ dàng hơn ở các trận kế tiếp, và như các biết đấy, chúng tôi thắng Australia rồi hòa Syria để đi tiếp.
Giải U23 châu Á có 16 đội, trong đó Việt Nam xếp thứ 14 trước khi vào giải. Ở bảng D, chúng tôi chỉ là thứ tư trong bốn đội, xét theo thứ bậc trước giải. AFC cũng đánh giá khả năng vượt qua vòng bảng của Việt Nam khá thấp. Vì thế, chúng tôi chỉ còn cách tập trung cho từng trận đấu. Trong đó, trận gặp Syria ở lượt cuối có ý nghĩa rất quan trọng.
– Ông từng phát biểu: “Cầu thủ Việt Nam không biết họ ngang tầm Nhật Bản và Hàn Quốc”. Do đâu mà ông phát hiện ra điều này và ông đã làm như thế nào để các cầu thủ biết về sự ngang tầm đó để tự tin trong luyện tập thi đấu và chiến thắng? (Đỗ Thành Huy, 50 tuổi, A Lưới, Thừa Thiên Huế)
– Có lẽ đã có sự hiểu lầm trong việc hiểu câu trả lời của tôi. Tôi nhớ là đã nói: “Các cầu thủ Việt Nam có những yếu tố mà cầu thủ Nhật Bản hay Hàn Quốc không có. Ví dụ như tốc độ, kỹ thuật hay một khía cạnh nào đó là thể lực nữa”. Chứ tôi không nói là cầu thủ Việt Nam đã ngang tầm Nhật Bản, Hàn Quốc. Vì tôi thậm chí chưa huấn luyện cầu thủ Nhật Bản bao giờ.
HLV Park Hang-seo chia sẻ cởi mở và chân thành với độc giả VnExpress. Ảnh: Đức Đồng. |
– Quay lại thời điểm ông ký hợp đồng với VFF, lời mời từ Việt Nam đến với ông như thế nào, và vì sao ông nhận lời? (Phạm Đức, 48 tuổi, Thanh Hóa)
– Tôi khá bất ngờ với đề nghị này vì trước đó chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ làm việc ở Việt Nam. Tôi từng dẫn dắt một số CLB chuyên nghiệp ở Hàn Quốc và từng có ý định ra nước ngoài huấn luyện. Lúc đó, người đại diện của tôi có nói VFF quan tâm đến tôi. Nếu là một CLB chuyên nghiệp, tôi chắc chắn sẽ đắn đo, nhưng đây là một đội tuyển quốc gia.Thực sự thì khi đó, tôi đang dẫn dắt một CLB thi đấu ở hạng thấp tại đất nước tôi. Vì thế, tôi nhận lời đến Việt Nam. Rất may công việc tiến triển tốt đẹp.
Trước khi bắt đầu công việc, tôi không có nhiều thông tin về Việt nam. Tôi biết về Xuân Trường đang thi đấu ở Gangwon. Tôi cũng biết bóng đá Việt Nam phát triển rất nhanh, và coi đây là thử thách cũng như cơ hội cuối cùng của sự nghiệp tôi. Nhân đây, tôi cũng muốn nhờ VnExpress hỏi lại VFF rằng vì sao họ lại chọn tôi (cười), vì vào thời điểm ấy ở Hàn Quốc có nhiều người giỏi và trẻ hơn tôi. Nên thực sự tôi cũng không biết chính xác nguyên nhân mình được chọn.
Về ý công việc cuối cùng bản thân mong muốn. Thực ra, bây giờ, ở Hàn Quốc có nhiều HLV trẻ và tài năng. Tuổi của tôi đáng lẽ đã đến thời điểm nghỉ hưu dù tôi cũng có nhiều kinh nghiệm. Giấc mơ đi ra nước ngoài tôi đã ấp ủ từ lâu. Tôi nghĩ là mình cũng có thể làm lãnh đội hoặc một công việc tương tự. Tuy nhiên, ở tuổi này, việc ra nước ngoài với tôi vẫn là một thử thách khó khăn.
– Ông từng nói trợ lý Lee Young-jin là “bộ óc” của ông. Ông làm thế nào để thuyết phục ông Lee theo ông sang làm việc tại Việt Nam? (Huệ Nguyễn, 34 tuổi, Ninh Bình)
– Lee là người tôi quen từ lâu, từ thời chúng tôi còn thi đấu ở CLB Hwangso. Đến khi tôi làm HLV, cậu ấy vẫn còn là cầu thủ. Sau đó, cả hai cùng trở thành HLV ở Hàn Quốc. Từ hồi xưa, chúng tôi đã biết rõ nhau, như đàn anh với đàn em. Nếu đến dẫn dắt một CLB ở Việt Nam, tôi sẽ không mời Lee đi theo, nhưng với cấp đội tuyển, áp lực khá lớn nên tôi đã mời và cậu ấy vui vẻ đồng ý. Khi sang Việt Nam, chúng tôi chú trọng đến sự cần cù, dù kết quả được ưu tiên. Nếu không thành công, hình ảnh cần cù của người Hàn Quốc vẫn sẽ là bài học cho những HLV đàn em ở Hàn Quốc. Hai người chúng tôi rất hợp nhau với ý tưởng đó.
Trong quá trình thi đấu, chúng tôi đã chuẩn bị nhiều kịch bản. Nhưng trận đấu diễn ra với những tình tiết nhanh, chúng tôi phải đưa ra quyết định gấp rút. Lee là người đưa ra lời khuyên khi đó. Cậu ấy luôn nắm bắt được quyết định tôi muốn nói. Kết quả lần này có đóng góp lớn của Lee, cũng như các cộng sự khác trong ban huấn luyện Việt Nam. Tôi xin mọi người đừng hiểu lầm. Trước bất cứ trận đấu nào diễn ra, chúng tôi đều họp bàn nhiều lần, gồm tôi và các trợ lý. Mọi người đều đưa ra nhiều ý kiến, trước khi Lee tổng hợp lại và đưa cho tôi quyết định. Đội ngũ trợ lý Việt Nam đã làm việc rất nỗ lực để cung cấp cho tôi về văn hóa Việt Nam, và công lao của họ rất lớn ở giải đấu lần này.
– Ông đánh giá như thế nào về vai trò của Giám đốc kỹ thuật Jurgen Gede trong giải đấu vừa qua? (Tống Giang, 32 tuổi, Nam Định)
– Vai trò của Giám đốc Kỹ thuật tại Việt Nam có hơi khác ở Hàn Quốc. Nhà của Gede ở gần tôi, có thể xem như hàng xóm của nhau. Ông ấy giỏi tiếng Anh còn tôi thì không, nên mỗi khi trao đổi chúng tôi thường nói chuyện ngắn. Gede từng làm việc ở khu vực Trung Đông, Tây Á nên rất hiểu các cầu thủ ở đây. Do đó, ông ấy cung cấp cho tôi những thông tin về các đối thủ ở khu vực này trong giải đấu vừa qua. Nhìn chung, Gede là người quan tâm đến sự phát triển của bóng đá Việt Nam.
HLV Park Hang-seo đến Việt Nam như một cơ duyên. Ảnh: Ngọc Thành. |
– Ông chọn cầu thủ dự giải U23 châu Á như thế nào? (Đinh Thanh An, 42 tuổi, Bình Tân, TP HCM)
– Trước khi đến Việt Nam, tôi không có nhiều thông tin về các cầu thủ. Tôi có thói quen lựa chọn cầu thủ bằng cách trực tiếp đến xem anh ta thi đấu, cùng với trợ lý Lee. Tuy nhiên, việc xem hàng trăm cầu thủ để lựa chọn cầu thủ cho U23 Việt Nam là điều không thể. Vì vậy, đội ngũ trợ lý cũng như Giám đốc kỹ thuật Jurgen Gede cũng đóng vai trò tham vấn, giúp tôi tuyển chọn đội hình.
Bên cạnh phong độ của cầu thủ, tôi cũng quan tâm đến phẩm chất đạo đức và thói quen sinh hoạt của từng người. Tôi chỉ chọn cầu thủ nếu anh ta có cách sinh hoạt lành mạnh và đối xử tốt với mọi người.
– Cháu xin được hỏi HLV Park đã có chiến thuật, liệu pháp gì giúp U23 Việt Nam lột xác chỉ trong một thời gian ngắn sau khi ông lên nắm quyền? (Nguyễn Thạch Tiến, 33 tuổi, Đông Anh, Hà Nội)
– Các bạn không nên cho rằng tôi đã thay đổi hoàn toàn hình ảnh bóng đá Việt Nam. Không đến mức đấy đâu. Thực ra, U23 Việt Nam hiện tại chưa hoàn thiện, chưa đạt đến đỉnh cao đâu. Tôi luôn cố gắng vận dụng hết tri thức và kinh nghiệm qua mấy chục năm làm việc tại Hàn Quốc, để áp dụng vào bóng đá Việt Nam. Tôi luôn giữ quyết tâm đó ngay từ đầu, để truyền đạt lại cho các cầu thủ.
– Theo tôi niềm tin vào bản thân, khát khao chiến thắng là yếu tố chủ chốt mang lại thành công cho U23 lần này. Vậy ông và ban huấn luyện đã làm gì để có thể truyền cảm hứng cho các cầu thủ trong thời gian ngắn như thế? (Trần Huy Hiển, 39 tuổi, TP Sa Đéc, Đồng Tháp)
– Không biết cách biểu hiện này của tôi có đúng không? Trong cuộc sống, chúng ta luôn đối diện với căng thẳng. Tôi thì xa quê, cũng nhớ nhà. Nhưng mỗi sáng, nhìn thấy ánh mắt của các cầu thủ, nó mang lại rất nhiều động lực cho tôi. Điều đó tôi không có ở Hàn Quốc. Không chỉ tôi đâu, tất cả đội ngũ trợ lý đều cảm thấy như thế. Chúng tôi không nói với nhau nhưng đều cảm nhận được là phải cố hết sức. Tôi nghĩ là trong người cầu thủ Việt Nam có rất nhiều tiềm năng. Tôi không hiểu tại sao những thế hệ trước lại mang định kiến cầu thủ Việt Nam có thể lực yếu, thua kém so với cầu thủ ở nơi khác. Tôi muốn thay đổi định kiến đó, nên luôn khuyến khích, động viên để họ phát huy hết khả năng.
– Xin ông thông tin thêm về phương pháp nâng cao thể lực của các cầu thủ Việt Nam, giúp họ chơi tốt trong suốt những trận đấu 120 phút vừa qua. (Hoàng Long Ẩn, 32 tuổi, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk)
– Trước khi nhậm chức HLV tuyển Việt Nam, nhiều người nói với tôi là thể lực của họ khá yếu. Sự thực là trong thời gian tập trung ngắn hạn của đội tuyển, không có cách nào cải thiện được thể lực cả. Nhưng tôi phát hiện ra họ rất nhanh và khéo. Điều quan trọng nhất là tôi đã thay đổi sơ đồ chiến thuật. Trước đây, các HLV thường áp dụng sơ đồ có bốn hậu vệ, nhưng chơi như thế, khả năng cao là chúng ta sẽ thua sấp mặt. Vì thế, tôi đổi sang chiến thuật ba hậu vệ. Nó khắc phục được những bất lợi về thể hình của cầu thủ.
Tôi cũng không thể hiểu vì sao mọi người lại đánh đồng rằng thể hình nhỏ thì thể lực kém. Trong bóng đá, những cầu thủ nhỏ sẽ rất nhanh. Hơn nữa, cầu thủ Việt Nam rất thông minh. Họ hiểu chiến thuật của tôi rất tốt. Ngoài ra, sau khi tiến hành đo đạc các chỉ số cơ thể, chúng tôi cũng phát hiện ra là phần thân trên của cầu thủ Việt Nam khá yếu. Vì thế, tôi yêu cầu các cầu thủ đến phòng gym của Liên đoàn, một tuần khoảng ba-bốn lần, tập liên tục như thế khoảng một tháng trước khi vào giải U23 châu Á.
Tôi nói thật, chúng tôi không có nhiều phương pháp nào đặc biệt về thể lực. Tôi xin nhấn mạnh, cầu thủ Việt Nam không yếu về thể lực
Ông bất chợt xúc động khi nhắc đến tinh thần và ý chí của các cầu thủ U23 Việt Nam. Ảnh: Giang Huy. |
– Báo chí Hàn Quốc gần đây viết rằng ông đã thay đổi chế độ dinh dưỡng nên các cầu thủ Việt Nam mới có thể thi đấu dẻo dai như thế? (Le Anh, 35 tuổi, Hà Nội)